Asean Economic Community (viết tắt là AEC) là cộng đồng kinh tế các quốc gia trong khu vực ASEAN bao gồm các quốc gia Brunei, Cam-pu-chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cộng đồng AEC là sự hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người, tổng sản lượng (GDP) hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD và là nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới.
Trong tinh thần này, AEC góp phần tạo nên thị trường kinh tế tự do trong: di chuyển hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đầu tư, di chuyển vốn, di chuyển lao động có kỹ năng.
Khi AEC ra đời, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp sở tại.
Nếu thành công thì AEC sẽ là sự hòa nhập khu vực một cách toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên.
Bốn mục tiêu của AEC
Bốn mục tiêu và cũng là bốn yếu tố cấu thành AEC bao gồm:
- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
- Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
- Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
- Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).
Thực chất
Mặc dù mang tên “Cộng đồng kinh tế”, AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) mà vào năm 1993 được đổi tên thành Cộng đồng châu Âu (EC), bởi không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những cam kết ràng buộc với lộ trình thực hiện cụ thể.
AEC thực chất là đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua việc hiện thực hóa dần dần bốn mục tiêu kể trên (trong đó chỉ mục tiêu thứ nhất được thực hiện tương đối toàn diện và đầy đủ thông qua các hiệp định và thỏa thuận ràng buộc, các mục tiêu còn lại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng lộ trình và thực hiện một số sáng kiến khu vực).
AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một thỏa thuận hay hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận, tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này.
Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới không bắt buộc của các nước ASEAN.
Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây (thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN) và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Những ưu thế và thách thức của lao động Việt Nam:
Lao động Việt Nam có nhiều ưu thế khi gia nhập cộng đồng AEC, đó là cơ cấu lao động trẻ, lực lượng lao động dồi dào chiếm 54% dân số, tỷ lệ lao động có tay nghề ngày càng tăng trong 2 năm gần đây.
Tuy nhiên, lực lượng lao động của nước ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thực lớn, đó là: Lực lượng lao động chất lượng cao từ nước ngoài được tự do làm việc trong khu vực AEC tạo nên đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho thị trường lao động trong nước. Tỷ lệ lao động trong nước có tay nghề và kỹ năng còn thấp so với lao động các nước trong khu vực. Năng suất người lao động Việt Nam rơi vào nhóm thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nguồn lao động nước ta thiếu các kỹ năng mền cần thiết khi làm việc trong môi trường quốc tế. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực AEC.
Để tạo nên lợi thế cạnh tranh cá nhân, các cá nhân cần đặc biệt chú ý nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh,hoàn thiện kỹ năng thương thuyết và thuyết trình. Bên cạnh đó, các cá nhân cần liên tục cập nhật và học hỏi các kỹ năng chuyên ngành cũng như mở rộng mối quan hệ công việc. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường sức mạnh quốc gia, đưa nước ta hòa nhập với dòng chảy chung của cộng đồng quốc tế, đưa nước ta phát triển sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
(Tổng hợp)