Sáng ngày 29 tháng 01 năm 2015, Tại Tp. Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TpHCM phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ tổ chức “Hội thảo đào tạo và phát triển nhân lực lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho khu vực Tây Nam Bộ”. Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo có TS. Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), Ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).
Hình 1: Toàn cảnh buổi hội thảo
Trong tiến trình thực hiện CNH - HĐH đất nước thì nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao là thật sự cần thiết nên việc hợp tác đào tạo giữa Trường ĐH SPKT TpHCM với các trường nghề tại khu vực Tây Nam Bộ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm giải quyết bài toán nhân lực kỹ thuật nêu trên. Trong phần phát biểu đề dẫn cho hội thảo, NGƯT. PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT TpHCM nhấn mạnh: để Nghị quyết 29 - BCHTW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đi vào cuộc sống thì các cơ sở giáo dục đào tạo về giáo dục nghề nghiệp cần giải quyết các bài toán: Sự hợp tác không đồng bộ, sự cạnh tranh trong đào tạo dẫn đến những lỗ hỏng trong đào tạo nhân lực lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo nguồn nhân lực không bị lạc hậu về kiến thức lẫn tay nghề; Thành lập trung tâm xuất sắc về giáo dục nghề nghiệp để đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên kỹ thuật nghề nghiệp cho khu vực Tây Nam Bộ.
Hình 2: NGƯT. PGS.TS. Đỗ Văn Dũng phát biểu đề dẫn cho hội thảo
Trong phần phát biểu chỉ đạo, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhắn nhủ các vấn đề trong tâm cần thực hiện: tăng cường sự gắn kết giữa các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong đào tạo; Nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất và ngân sách bằng cách huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và xã hội; Chú trọng đến đào tạo nghề cho người chưa có việc làm, thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp; Xác định nhu cầu cụ thể về nguồn nhân lực để giao cho các trường đào tạo; …
Trong phần báo cáo tham luận tại phiên toàn thể, PGS. TS. Ngô Anh Tuấn - Viện trưởng Viện SPKT - ĐH SPKT TpHCM khẳng định vai trò của Trường ĐH SPKT TpHCM trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ. PGS. Tuấn nhấn mạnh: việc đổi mới căn bản về giáo dục nghề nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ cần phải dựa trên triết lý và kết quả nghiên cứu cụ thể về giáo dục nghề nghiệp cũng như những quan niệm về con người và nghề nghiệp tại khu vực này. Hai mô hình được đề xuất để thực hiện trong thời gian sắp tới là: Mô hình 5 tại chỗ (tuyển sinh tại chỗ, đào tạo tại chỗ, thực hành tại chỗ, sử dụng tại chỗ và phát triển nâng bậc nghề tại chỗ); Mô hình chuyển giao công nghệ trực tuyến nhằm chia sẻ nguồn học liệu và hệ thống bài học trực tuyến.
Hình 3: PGS.TS. Ngô Anh Tuấn trình bày bài báo cáo tham luận
Sau phần báo cáo tham luận tại phiên toàn thể, các đại biểu tập trung báo cáo và thảo luận tại các tiểu ban nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể và thiết thực cho việc hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Trường ĐH SPKT TpHCM, Trường ĐH Cần Thơ và các trường nghề trong khu vực Tây Nam Bộ. Trong phần tổng kết hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Đỗ Văn Dũng khẳng định: sau hội thảo này, các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu, phối hợp để tổ chức các hội thảo chuyên sâu về từng mảng trong thỏa thuận hợp tác đã kí ngày 24 tháng 04 năm 2014.